1/8/2019 WORKSHOP: THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU VÀ XỬ LÝ SỐ LIỆU CƠ BẢN TẠI THÀNH PHỐ Hồ Chí minh - 2019Read Now Trong hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2019, nhóm dự án REACH tiếp tục mang hành trình chuỗi workshop đến thành phố mang tên Bác. Workshop: Thiết kế nghiên cứu và Xử lý số liệu cơ bản đã được tổ chức tại Think In A Box – Active Training Space, Thành phố Hồ Chí Minh. Workshop đã tiếp tuc thu hút được sự quan tâm của các bạn nghiên cứu viên trẻ, sinh viên khối ngành Y Dược. Đặc biệt REACH đã trao 3 suất học bổng hỗ trợ tài chính cho các bạn ở xa thành phố Hồ Chí Minh tới tham dự. Diễn giả trong workshop là ThS. BS. Bùi Phương Linh - Điều phối viên dự án REACH, nghiên cứu viên, Đại học Y tế Công cộng Hà Nội và ThS. BS. Phạm Thanh Tùng - Điều phối viên dự án REACH, giảng viên Bộ môn Sinh lý học, Đại học Y Hà Nội. Ngày 6/7/2019 Mở đầu cho buổi workshop ThS. Phạm Thanh Tùng đã có bài trình bày ngắn giới thiệu về sự ra đời của dự án REACH và những hoạt động sắp tới của nhóm dự án. Trong phiên buổi sáng ThS. Phạm Thanh Tùng sẽ thảo luận và tìm ra lỗ hổng của các bạn học viên về Thiết kế nghiên cứu, đặc biệt các loại hình nghiên cứu Y sinh học bằng phương pháp Team Based Learning (TBL). Trong đó khi check – in vào workshop, các bạn học viên được sắp xếp ngồi ngẫu nhiên theo các nhóm từ 4 – 6 bạn học viên. Sau đó các bạn học viên sẽ tiến hành thực hiện bài test cá nhân và sau đó bài test nhóm không có và có tra cứu tài liệu. Dựa vào kết quả cá nhân và thảo luận nhóm, giảng viên sẽ tìm ra những lỗ hổng và cùng giải đáp với các bạn học viên. Sau đó, ThS. Phạm Thanh Tùng cũng đã giới thiệu một số ví dụ cụ thể thực hành thiết kế nghiên cứu. Các bạn học viên đã có những trao đổi sôi nổi theo nhóm và cùng tìm ra lời giải hợp lý cùng giảng viên. Tiếp tục trong phiên buổi chiều, hai giảng viên của REACH sẽ giới thiệu về phương pháp Xử lý số liệu trong các nghiên cứu Y sinh học. Đầu tiên ThS. Bùi Phương Linh giới thiệu về mô hình hồi quy tuyến tính và mô hình hồi quy logistic. Các bạn học viên hiểu rõ hơn về sự ra đời, các điều kiện sử dụng và áp dụng mô hình vào các xử lý thực tế. Nửa cuối phiên buổi chiều, ThS. Phạm Thanh Tùng tiếp tục trình bày về phân tích số liệu với các khái niệm về Odds ratio, Risk ratio và Hazard ratio cho các loại biến outcomes khác nhau. Việc tính toán các chỉ số này và diễn giải kết quả có vai trò quyết định. ThS. Tùng cũng đưa ra các ví dụ về việc diễn giải các chỉ số này trong các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế, có thể dẫn tới sai lầm nghiêm trọng. Trong phần nâng cao, ThS. Phạm Thanh Tùng cùng các bạn học viên thực hành xây dựng đường cong Kaplan – Meier trong phân tích sống còn. Cuối buổi, ThS. Phạm Thanh Tùng giới thiệu về phần mềm xử lý số liệu Stata. Là phần mềm kết hợp linh hoạt giữa xử lí cơ bản và nâng cao, việc sử dụng Stata một cách chuyên nghiệp giúp các bạn tiết kiệm thời gian và công sức trong việc đưa kết quả vào trong bài báo. Các bạn học viên cũng được hỗ trợ cài Stata cùng các bạn trợ giảng. Ngày 7/7/2019 Mở đầu phiên buổi sáng, ThS. Bùi Phương Linh dẫn dắt các bạn học viên cùng tiếp cận với khái niệm DAGs (Directed Acyclic Graphs) thông qua ví dụ về sự ra đời của nó trong nghiên cứu mối liên quan giữa Estrogen và Ung thư tử cung. Các bạn học viên cũng được thực hành vẽ DAGs cho ví dụ này. Để khái quát, ThS Bùi Phương Linh đã trình bày các khái niệm về yếu tố nhiễu, và cách xử lý với các yếu tố nhiễu. Việc sử dụng DAGs giúp các nhà thiết kế nghiên cứu xác định được các yếu tố nhiễu mà chúng ta cần đo lường trong nghiên cứu, và các thiết kế nghiên cứu phù hợp. DAGs đã xuất hiện từ lâu thống nhất với hiểu biết bản chất sinh học của chúng ta, do vậy DAGs giúp nhà nghiên cứu minh họa xử lý số liệu và diễn giải kết quả một cách hợp lý. Trong phiên buổi chiều, ThS. Phạm Thanh Tùng tiếp tục giúp các bạn học viên làm quen với việc sử dụng Stata trong phân tích số liệu. Xuất phát từ nhu cầu quản lý và xử lí số liệu hiệu quả, ThS Phạm Thanh Tùng giúp các bạn hiểu được cách sử dụng các file quản lý trong quy trình chuyên nghiệp. Thông qua bộ số liệu mẫu, các bạn cũng được thực hành tạo và đưa các bảng số liệu đẹp và dễ hiểu vào bài báo. Ngoài ra, ThS. Tùng cũng giới thiệu một số package hữu ích được sử dụng trong xử lý cơ bản. Phần kế tiếp là bài trình bày về chiến lược tìm kiếm tài liệu và phần mềm Zotero của ThS. Bùi Phương Linh. Việc tìm kiếm tài liệu tham khảo và đánh giá tài liệu để đưa vào trong bài báo hoặc đề cương nghiên cứu là việc cần có chiến lược rõ ràng và hiệu quả. Thực tế, có rất nhiều phương pháp và nguồn tài liệu trực tuyến, trong phần này ThS. Linh nhấn mạnh chia sẻ kinh nghiệm và một số tips giúp các bạn quản lý thông tin các bạn đã tìm kiếm được. Kết thúc hai ngày khóa học, các bạn học viên đã được hai giảng viên của dự án REACH trao đổi và chia sẻ những kiến thức cơ bản về thiết kế và xử lý số liệu trong nghiên cứu Y sinh. Cuối phiên buổi chiều, đại diện dự án REACH ThS. Phạm Thanh Tùng và ThS. Bùi Phương Linh đã tiến hành trao giấy chứng nhận cho các bạn học viên. Sau workshop, các bạn học viên được thực hiện bài kiểm tra những kiến thức đã được trao đổi trong hai ngày của workshop và có 3 bạn đã xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối. Đại diện dự án REACH đã tiến hành bốc ngẫu nhiên một bạn và bạn Phan Thị Thanh Trà là người may mắn nhận món quà là cuốn sách Gordis Epidemiology. Kết thúc khóa học tại Thành phố mang tên Bác, dự án REACH cũng đã nhận được nhiều phản hồi từ các bạn học viên. Một bạn học viên đã chia sẻ: “Sự tận tâm và chuyên nghiệp trong cách làm việc và chuyên nghiệp. Em rất đam mê nghiên cứu khoa học, nhờ có workshop mà em được tiếp cận được và thấy được vẻ đẹp của nghiên cứu. Được gặp và kết nối được rất nhiều bạn và anh chị có chung niềm đam mê. Những gì các anh chị chia sẻ thực sự rất bổ ích và giúp em mở rộng tầm nhìn, đó là những thứ mà em khó có thể có được nếu chỉ học tập ở trường”. Bên cạnh đó nhiều bạn học viên mong muốn được thực hành với Stata nhiều hơn, và tốc độ giảng dạy và truyền đạt khá nhanh, đây sẽ là điều REACH sẽ cải thiện trong workshop tiếp theo.
Nhóm dự án REACH sẽ tiếp tục chuỗi workshop tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 27 và 28/7/2019 tới đây. Thông tin chi tiết xin mời các bạn xem tại: https://www.reach.edu.vn/reachhn.html _______________________________ Dự án REACH Mọi thắc mắc và góp ý xin liên hệ [Website]: https://www.reach.edu.vn/ [Facebook]: https://www.facebook.com/reach.edu.vn Comments are closed.
|