FINE PARTICULATE MATTER (PM2.5) IN SCHOOLS AND PREVALENCE AND PATTERN OF RESPIRATORY SYMPTOMS AMONG SCHOOLCHILDREN IN HCMC, VIETNAM
Địa điểm thực hiện: Thành phố Hồ Chí Minh
Đại diện dự án: Huỳnh Ngọc Thanh
Giới thiệu dự án:
Khi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia thì ô nhiễm không khí đang trở thành một vấn đề cần được quan tâm trên toàn cầu. Một trong các chất gây ô nhiễm không khí phổ biến là hạt mịn PM2.5. Loại hạt mịn này có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em - nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương và nhạy cảm trước các tác động của PM2.5. Khi hít phải, PM2.5 có thể xâm nhập tới các phế nang gây kích thích và làm tổn thương đến hệ thống hô hấp của trẻ. Theo báo cáo từ Dữ liệu Chất lượng Không khí Toàn cầu (IAQ Air) năm 2020, nồng độ trung bình năm của PM2.5 tại TP.HCM cao hơn 2,2 lần so với tiêu chuẩn của WHO năm 2005 (10 μg/m3). Nguyên nhân chủ yếu do phát thải từ giao thông đường bộ, hoạt động sản xuất của nhà máy và khu công nghiệp.
Tại Việt Nam, học sinh dành khoảng 30% thời gian các ngày trong tuần ở trường. Do đó, không chỉ các yếu tố phơi nhiễm tại nhà mà cả chất lượng không khí xung quanh trường học cũng ảnh hưởng đến sức khỏe hô hấp của trẻ. Bên cạnh đó, các triệu chứng hô hấp ở mức độ vừa hoặc nhẹ của trẻ có thể thay đổi hàng ngày, khiến trẻ nhạy cảm hơn với các bệnh hô hấp phổ biến như hen suyễn. Nguy cơ lây lan các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cũng tăng lên trong các lớp học, nơi mà trẻ em tiếp xúc với nhau phần lớn thời gian trong ngày.
Vì vậy, chúng tôi tiến hành một nghiên cứu theo chuỗi thời gian (time-series) trong 30 ngày ở cấp độ cá nhân nhằm đánh giá các triệu chứng hô hấp ở trẻ với việc nồng độ bụi mịn PM2.5 hoặc nhiễm trùng mắc phải từ các bạn cùng lớp sẽ được khám phá trong dự án này.
Cảm nhận của đại diện dự án khi làm việc cùng REACH:
Là một trong các dự án được REACH tin chọn và hợp tác, nhóm nghiên cứu cảm thấy thật sự trân quý cơ hội này. REACH không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính cho dự án mà còn hỗ trợ về mặt chuyên môn từ khi dự án còn ở giai đoạn đề cương đến trong và sau quá trình triển khai. Sự giúp đỡ toàn diện, nhiệt tình và trách nhiệm này giúp cho dự án trở nên hoàn thiện và chỉnh chu hơn. Sau những buổi làm việc cùng các anh/chị trong REACH, nhóm nghiên cứu đã học hỏi được nhiều điều hữu ích làm cho dự án được tốt hơn và cũng như bổ sung hành trang cho các dự án về sau của nhóm. Và hơn thế, mạng lưới kết nối những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe được mở rộng. Nhóm nghiên cứu hi vọng rằng trong tương lai mạng lưới này sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa. REACH là cầu nối vô cùng ý nghĩa và tạo động lực cho các nhóm nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ trên hành trình phát triển con đường khoa học, từ đó, đóng góp những kết quả giá trị cho cộng đồng. “Muốn đi nhanh hãy đi một mình – Muốn đi xa hãy đi cùng nhau” chính là giá trị mà REACH đang trao đi. Lời cuối cùng, nhóm nghiên cứu xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quỹ tài trợ nhỏ của REACH vì tất cả những gì mà ban tài trợ đã dành cho các dự án nói chung và dự án PM25&RS HCMC của nhóm nói riêng.