R-ZOONOTIC
Kiến thức, thái độ, thực hành và một số yếu tố liên quan về phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người ở sinh viên ngành Thú y
Giới thiệu dự án
Bệnh truyền lây giữa động vật và người hay bệnh chung giữa động vật và người là là một trong những nguyên nhân quan trọng và trực tiếp gây bệnh ở con người và động vật, đồng thời ảnh hưởng gián tiếp đến phát triển kinh tế quốc gia. Bệnh truyền lây giữa động vật và người có thể là do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc côn trùng. Trong đó, một số bệnh thường gặp hiện nay là dại, cúm gia cầm, cúm lợn, liên cầu lợn, giun đũa chó, sán lá gan nhỏ và lớn, bệnh ghẻ có nguồn gốc từ vật nuôi...
Bệnh truyền lây giữa động vật sang người
Thế giới đã phải đối mặt với nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng như tái bùng phát, trong đó bệnh truyền lây giữa động vật và người chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Theo thống kê của Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới (OIE), từ năm 2000 đến năm 2005 có khoảng 50 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh từ gia súc và muỗi, trong đó có 78.000 người thiệt mạng, riêng bệnh dại đã làm 30.000 người chết và virus Viêm não Nhật bản B giết chết 15.000 người. Đặc biệt, có nhiều bằng chứng cho thấy đại dịch COVID-19 do chủng mới của virus Corona có nguồn gốc từ động vật.
Việt Nam nằm trong khu vực châu Á, nơi được xác định là một trong năm “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật như bệnh dại, cúm giá cầm H5N1, liên cầu lợn. Sinh viên ngành thú y trong quá trình học tập thường xuyên phải tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ như phải tiếp xúc với gia súc, gia cầm và chất thải của chúng. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành thú y sẽ trở thành những bác sĩ thú y, là những người sẽ phối hợp với ngành y tế để giám sát và ứng phó bệnh. Do đó, những kiến thức, thái độ và thực hành của sinh viên ngành thú y về các bệnh truyền lây giữa động vật và người là rất quan trọng.
Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu 1: Mô tả kiến thức, thái độ, thực hành phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người ở sinh viên ngành thú y tại 11 trường đại học có đào tạo chuyên ngành thú y tại Việt Nam.
Mục tiêu 2: Xác định một số yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ, thực hành phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người ở sinh viên ngành thú y tại 11 trường đại học có đào tạo chuyên ngành thú y tại Việt Nam.
Cảm nhận của đại diện dự án khi làm việc cùng REACH
“Điều đầu tiên, được tham gia làm việc cùng dự án REACH là một vinh dự rất lớn đối với chúng em. Các anh chị trong dự án thực sự rất chuyên nghiệp, từ thời gian cho đến tác phong làm việc. Có thể nói rằng, em đã học hỏi được rất nhiều điều trong quá trình làm việc với dự án. Em thấy bản thân đã có tác phong chuyên nghiệp hơn khi làm việc cùng dự án.
Em còn cảm nhận được rằng, các anh chị trong dự án rất tâm huyết và có chuyên môn giỏi. Nhờ sự giúp đỡ và đào tạo của anh chị, nhóm sinh viên nghiên cứu và các bạn cộng tác viên đã học hỏi được rất nhiều điều, từ thiết kế nghiên cứu, nhập liệu cho đến xử lý số liệu, trích dẫn tài liệu nghiên cứu.
Ngoài ra, các anh chị trong dự án REACH còn là những người truyền động lực rất lớn cho chúng em. Mặc dù rất áp lực khi thực hiện nghiên cứu nhưng chính nguồn năng lượng tích cực của anh chị đã giúp em có thêm động lực để làm việc. Có thể nói rằng, chỉ lời cảm ơn thôi chưa đủ để thể hiện sự biết ơn và trân quý của nhóm chúng em đối với dự án.”
Nguyễn Sinh Huy - Đại diện dự án R-Zoonotic
Sản phẩm của dự án
Với sự đồng ý của nhóm dự án R-Zoonotic, REACH đã đăng tải dữ liệu nghiên cứu dạng không có thông tin định danh cá nhân của nhóm dự án lên kho dữ liệu Harvard Dataverse tại đây.
R-Zoonotic là nhóm dự án đầu tiên thực hiện thỏa thuận với REACH về chia sẻ dữ liệu nghiên cứu tới cộng đồng sau 3 năm kết thúc hợp tác với REACH thông qua quỹ tài trợ nhỏ (REACH Microgrant). Việc đăng tải công khai các bộ số liệu nghiên cứu là xu hướng chung của các tổ chức tài trợ lớn như World Health Organization (WHO), World Bank (WB), National Institutes of Health (NIH)... nhằm tăng tính minh bạch, tính ứng dụng và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng tới các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
REACH cũng mong muốn các nhà nghiên cứu hay những ai quan tâm tới chủ đề bệnh lây truyền giữa động vật và người có thể tham khảo, phân tích và khai thác bộ số liệu cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. REACH thực sự rất vui và tự hào vì các bạn của R-Zoonotic cũng đồng ý với định hướng này và đã thực hiện đúng cam kết mang sản phẩm của dự án trở thành tài sản của cộng đồng.
R-Zoonotic là nhóm dự án đầu tiên thực hiện thỏa thuận với REACH về chia sẻ dữ liệu nghiên cứu tới cộng đồng sau 3 năm kết thúc hợp tác với REACH thông qua quỹ tài trợ nhỏ (REACH Microgrant). Việc đăng tải công khai các bộ số liệu nghiên cứu là xu hướng chung của các tổ chức tài trợ lớn như World Health Organization (WHO), World Bank (WB), National Institutes of Health (NIH)... nhằm tăng tính minh bạch, tính ứng dụng và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng tới các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
REACH cũng mong muốn các nhà nghiên cứu hay những ai quan tâm tới chủ đề bệnh lây truyền giữa động vật và người có thể tham khảo, phân tích và khai thác bộ số liệu cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. REACH thực sự rất vui và tự hào vì các bạn của R-Zoonotic cũng đồng ý với định hướng này và đã thực hiện đúng cam kết mang sản phẩm của dự án trở thành tài sản của cộng đồng.