28/8/2019 WORKSHOP: THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU VÀ XỬ LÝ SỐ LIỆU CƠ BẢN TẠI THÀNH PHỐ hà nội - 2019Read Now Trong hai ngày 27 và 28 tháng 7 năm 2019, dự án REACH kết thúc hành trình chuỗi workshop năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội. Workshop: Thiết kế nghiên cứu và Xử lý số liệu cơ bản thứ 3 đã được tổ chức tại Bishub coworking space, Thủ đô Hà Nội. Workshop thu hút được sự quan tâm của các bạn nghiên cứu viên trẻ, sinh viên khối ngành Y Dược với sự tham gia của gần 50 bạn học viên, trong đó có nhiều bạn đến từ các địa phương cách xa Hà Nội. REACH đã trao 3 suất học bổng hỗ trợ tài chính cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn và ở xa Hà Nội tới tham dự. Diễn giả trong workshop là ThS. BS. Bùi Phương Linh - Điều phối viên dự án REACH, nghiên cứu viên, Đại học Y tế Công cộng Hà Nội và ThS. BS. Phạm Thanh Tùng - Điều phối viên dự án REACH, giảng viên Bộ môn Sinh lý học, Đại học Y Hà Nội. Ngày 27/7/2019 Mở đầu cho buổi workshop ThS. Bùi Phương Linh đã có bài trình bày ngắn giới thiệu về sự ra đời của dự án REACH; những thành viên tham gia hỗ trợ dự án và hoạt động sắp tới của nhóm dự án. Tiếp theo phiên buổi sáng, ThS. Phạm Thanh Tùng giới thiệu phương pháp học tập Team-based learning (TBL), cũng sẽ là phương pháp học tập chính xuyên suốt trong buổi đầu tiên của workshop. Các bạn học viên sẽ kiểm tra về kiến thức cá nhân, sau đó sẽ là bài thảo luận theo nhóm, và cuối cùng trao đổi lỗ hổng kiến thức cùng giảng viên. Trong buổi sáng, ThS. Phạm Thanh Tùng đã cùng học viên thảo luận và ôn lại về các phương pháp thiết kế nghiên cứu cơ bản. Hiện nay, nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh khi mới tham gia vào hoạt động nghiên cứu đều chủ yếu tập trung vào sản phẩm là bài báo nghiên cứu mà chưa nắm rõ được phương pháp chung và quy trình của toàn bộ nghiên cứu như thế nào. Sau đó giảng viên và các bạn học viên cùng nhau thảo luận các câu hỏi trong bài test, đặc biệt những câu hỏi có nhiều bạn học viên trả lời sai hoặc thắc mắc. Để củng cố phần thiết kế nghiên cứu, các bạn học viên tiếp tục thảo luận dưới hình thức case study thực tế theo nhóm về một câu hỏi nghiên cứu tại Việt Nam. Để trả lời câu hỏi nghiên cứu trên, các bạn học viên được thực hành cách phân bổ các nguồn lực và thiết kế sơ bộ một nghiên cứu trong thực tế Quay trở lại trong phiên buổi chiều, giảng viên Phạm Thanh Tùng tiếp tục phần bài giảng giới thiệu về các khái niệm cơ bản trong phân tích số liệu. Sau khi nắm được các phương pháp nghiên cứu, các bạn học viên cùng ôn lại và thực hành về các chỉ số đo lường tương ứng với các thiết kế nghiên cứu đã học. Đầu tiên, ThS. Phạm Thanh Tùng đã cùng các bạn làm rõ lại các khái niệm Odds ratio, Risk ratio và Prevalence ratio cùng cách diễn giải của nó. Việc đọc và diễn giải đúng các chỉ số này trong các bài báo nghiên cứu là chìa khóa quan trọng để diễn giải kết quả nghiên cứu một cách khách quan. Đồng thời các bạn học viên cũng được thực hành tính các chỉ số này thông qua các ví dụ cụ thể. Kết thúc phiên buổi chiều, ThS. Tùng mở rộng thêm cho các học viên về phân tích sống còn với phương pháp Kaplan Meier. Đây là phương pháp rất gần gũi với nghiên cứu lâm sàng trên thế giới và Việt Nam. Các bạn học viên cũng được thực hành phân tích Kaplan Meier qua ví dụ cụ thể. Ngày 28/7/2019 Mở đầu phiên buổi sáng, workshop của REACH tại Hà Nội rất vinh dự được tiếp đón Ngài D’Juan Sampson – đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tới tham dự và có bài phát biểu ngắn. Trong bài phát biểu, ngài Sampson khẳng định sự ủng hộ của Đại sứ quán Hoa Kỳ với sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt thông qua việc tài trợ cho các dự án hướng tới cộng đồng như dự án REACH. Trong phiên buổi sáng, ThS. Bùi Phương Linh và các bạn học viên cùng tiếp cận với khái niệm DAGs (Directed Acyclic Graphs) thông qua ví dụ nổi tiếng về mối liên quan giữa Estrogen và Ung thư tử cung. Sau đó, các bạn học viên cũng được thực hành vẽ DAGs cho một số các câu hỏi nghiên cứu cụ thế với độ khó tăng dần. DAGs cũng giúp chúng ta hình dung trực quan về khái niệm yếu tố nhiễu và yếu tố trung gian. Việc xác định rõ các yếu tố này trong bước đầu của thiết kế nghiên cứu sẽ giúp ta thu thập được những thông tin cần thiết, và khi xử lý số liệu giúp nhà nghiên cứu xác định được các biến cần hiệu chỉnh trong mô hình. Cuối phiên buổi sáng, giảng viên Phạm Thanh Tùng giới thiệu về phần mềm xử lí số liệu Stata. Bên cạnh SAS hay R, Stata là một trong những phần mềm phân tích số liệu dựa trên code và đã được sử dụng rộng rãi. Với phần mềm Stata, chúng ta có thể quản lý số liệu, phân tích số liệu một cách dễ dàng và cho ra những sản phẩm hoàn thiện chuyên nghiệp. ThS. Tùng cũng giới thiệu tổng quan về môi trường làm việc của Stata và bộ số liệu xử lý mẫu sẽ được thực hành trong phiên buổi chiều. Quay trở phiên buổi chiều, ThS. Phạm Thanh Tùng tiếp tục giúp các bạn học viên làm quen với việc sử dụng Stata trong phân tích số liệu. Với bộ số liệu mẫu, ThS. Tùng cùng các bạn thực hành quy trình xử lý số liệu một cách chuyên nghiệp và khoa học. Xuất phát từ nhu cầu trình bày kết quả trong các bài báo khoa học, các bạn cũng đã được thực hành tạo các bảng số bằng các package của Stata. Tiếp theo, ThS. Bùi Phương Linh trình bày về tìm kiếm tài liệu tham khảo và phần mềm Zotero. Trong phần này, ThS. Linh đã giới thiệu cho các bạn học viên về các loại tài liệu tham khảo và các nguồn tài liệu tham khảo chính thống thông qua ví dụ viết phần tổng quan cho câu hỏi nghiên cứu thực tế. Sau khi chúng ta đã tìm được những tài liệu này, việc quản lý và chia sẻ trong nhóm nghiên cứu sẽ như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ThS. Linh chia sẻ các bạn về việc sử dụng phần mềm Zotero hoàn toàn miễn phí. ThS. Tùng cũng giới thiệu video hướng dẫn về sử dụng phần mềm này trên Youtube các bạn học viên có thể tham khảo. Như vậy kết thúc hai ngày khóa học, các bạn học viên đã được hai giảng viên kinh nghiệm của dự án REACH chia sẻ những kiến thức cơ bản về thiết kế và xử lý số liệu trong nghiên cứu Y sinh học. Cuối phiên buổi chiều, đại diện dự án REACH ThS. Phạm Thanh Tùng và ThS. Bùi Phương Linh đã tiến hành trao giấy chứng nhận tham dự khóa học cho các bạn học viên. Sau workshop, các bạn học viên đã được thực hiện bài kiểm tra những kiến thức đã được trao đổi trong hai ngày của workshop và bạn Lê Đại Minh đã xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối. Đại diện dự án REACH đã liên hệ và trao món quà là cuốn sách Gordis Epidemiology cho bạn Minh. Kết thúc khóa học thứ 3 tại Thủ đô Hà Nội, dự án REACH tiếp tục nhận được nhiều phản hồi từ các bạn học viên. Một bạn học viên đã gửi thư tới REACH và chia sẻ: “Đây là một trong những workshop ấn tượng nhất mà em đã tham gia, từ cách giảng dạy (anh Tùng và chị Linh giảng rất dễ hiểu và nhiệt tình) đến những hỗ trợ bên lề khác (thông tin, cài đặt phần mềm, và đặc biệt là những file gửi sau workshop).”.
Một bạn học viên khác cũng chia sẻ cảm nhận sau workshop “Thật sự workshop vượt quá khả năng mong đợi của em. Cách anh Tùng và chị Linh truyền tải kiến thức rất dễ hiểu và không gây buồn ngủ, khi nghe giảng em có cảm giác thời gian trôi qua nhanh. Một điểm nữa cực kì đặc biệt là cách phân chia thời gian của từng nội dung rất cụ thể, chính xác và khoa học ạ”. Ngoài ra, một số bạn học viên phản hồi về việc tăng thời gian cho các bài tập thảo luận nhóm, tương tác với giảng viên và thực hành với Stata, đây sẽ là những phần REACH sẽ cải thiện trong các workshop tiếp theo. Như vậy dự án REACH đã tổ chức 3 workshop tại ba miền của tổ quốc, REACH hi vọng có thể tiếp tục tổ chức thêm các workshop trong năm tới tại các tỉnh thành phố khác. Ngoài ra, trong thời gian tới, REACH sẽ giới thiệu khóa học trực tuyến về nghiên cứu khoa học cơ bản cho những bạn chưa có điều kiện tham dự workshop của REACH. Thông tin chi tiết sẽ được cập nhật trên website của dự án REACH. _______________________________ Dự án REACH Mọi thắc mắc và góp ý xin liên hệ [Website]: https://www.reach.edu.vn/ [Facebook]: https://www.facebook.com/reach.edu.vn Comments are closed.
|